Ý nghĩa từ chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Quảng Ninh, Lạng Sơn ( Cập nhật ngày: 19/12/2024 )Trong chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp quản lý, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo năm 2024 tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh và huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn vừa qua, đoàn công tác của huyện Na Rì đã thu được những kết quả tích cực, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện. Những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh, Lạng Sơn là cơ sở và niềm tin để huyện học tập, phát triển trong thời gian tới. Khi đặt chân đến thôn Trung, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, đoàn công tác ấn tượng với thôn thông minh, xã nông thôn mới kiểu mẫu ở đây. Thôn thông minh là mỗi công dân trên địa bàn đều trở thành một công dân số. Thôn đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội trên nền tảng số, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tương tác với chính quyền qua các kênh trực tuyến, mở tài khoản thanh toán điện tử, quét mã QR…Đồng Rui là xã đảo ven biển của huyện Tiên Yên. Toàn xã có 4 thôn với 845 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu với 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 15%. Hiện nay, xã không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 107 triệu đồng. Trong xây dựng nông thôn mới, xã duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đoàn công tác thăm quan Nhà văn hóa dân tộc Tày tại thôn Đồng Đình, xã Đồng Rui với không gian trưng bày bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Được biết, đầu năm 2019, huyện Tiên Yên đưa khu văn hóa thể thao dân tộc Tày vào sử dụng với quy mô 1,7ha. Khu văn hóa phục vụ tốt cho việc tổ chức lễ hội hằng năm, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tày nơi đây. Đặc biệt, những năm gần đây, huyện cũng khôi phục, bảo tồn, duy trì tổ chức lễ hội Đồng Đình với hồn cốt là hội Lồng Tồng mang nét đặc trưng của dân tộc Tày. Đến thăm mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên của gia đình anh Bế Văn Lỵ, ở thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ hiện có 7.000 con gà. Mô hình thực hiện quy trình chăm sóc gà theo hướng sử dụng thức ăn tự nhiên, kết hợp chăn thả gà đồi để nâng cao chất lượng đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm gà thương phẩm của gia đình anh khi xuất bán luôn được thương lái ưu tiên lựa chọn. Có được đầu ra bền vững, mỗi năm anh xuất bán được khoảng hơn một vạn con gà, thu nhập từ 350 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm. Anh Bế Văn Lỵ, thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ cho biết:“Gia đình tôi nuôi gà từ 2019, đầu tiên chỉ nuôi 2.000 con/năm, đến năm 2022 tăng lên khoảng 7.000 con, năm 2024 lên đến 1,1 vạn con, dự tính năm 2025 sẽ nuôi khoảng 1,5 vạn con. Về kỹ thuật chăm sóc giống gà này, từ 1 ngày tuổi đến ngày thứ 3 vào vắc xin nhỏ, hết vắc xin, gà nuôi khoảng hơn 30 ngày bắt đầu thả rông ra đồi để gà tự kiếm ăn. Sau đó con gà đi kiếm ăn đến tối tự về chuồng. Từ hơn 3 tháng cho ăn ngô hạt. Con gà Tiên Yên dễ chăm sóc, sức đề kháng cao, vì gà thả tự nhiên cũng khỏe.” Thăm Trung tâm Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc ở thị trấn Tiên Yên, khu triển lãm trưng bày văn hoá các dân tộc ở đây giống như một bảo tàng thu nhỏ. Ấn tượng ngay với đoàn công tác khi đặt chân vào cửa gian trưng bày văn hóa các dân tộc, đó là khu chợ vùng cao của đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu.. Nơi đây còn trưng bày nhiều công cụ lao động sản xuất, sinh hoạt, nhà cổ, trang phục, hình ảnh về phong tục, tập quán truyền thống như lễ cấp sắc, các nghi thức cổ truyền. Cùng với đó là hình ảnh lễ hội đình, hội làng, lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc. Để chia sẻ kinh nghiệm, lãnh đạo hai huyện Na Rì và Tiên Yên đã trao đổi thông tin về tình hình, kết quả đạt được trong phát triển KT-XH, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; kinh nghiệm về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững năm 2024 của địa phương. Đồng chí Nông Văn Hội, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Na Rì cho biết: “Trong những năm vừa qua, thực hiện các chương trình Mục tiêu Quốc gia, trong đó có chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Các cơ quan Thường trực BCĐ đã tích cực tham mưu, triển khai thực hiện. Được sự nhất trí của Thường trực Huyện ủy cũng như BTV Huyện ủy, huyện đã tổ chức các đoàn đi thăm quan, học tập các chương trình mục tiêu quốc gia. Đoàn chúng tôi đã đi thăm mô hình kinh tế như: gà thả đồi, mô hình sáng, xanh, sạch, đẹp và các mô hình khác. Qua chuyến đi lần này, các cơ quan chuyên môn thường trực, bộ phận giúp việc tham mưu thực hiện các chương trình đảm bảo hiệu quả thiết thực. Đối với các hộ gia đình tiêu biểu, qua chuyến đi này tiếp tục học tập các mô hình về phát triển kinh tế – xã hội và các mô hình, các làm hay, hiệu quả; đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới về sáng, xanh, sạch, đẹp để triển khai thực hiện trong thời gian tới được tốt hơn.” Có thể khẳng định rằng việc tổ chức chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm đã mang lại ý nghĩa thiết thực. Qua việc đi thực tế thăm quan những mô hình hay trong phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo có hiệu quả có thể học tập, áp dụng vào thực hiện tại địa phương../. Diệu Thu |