Lịch sử – Văn hóa ( Cập nhật ngày: 29/03/2023 )Lịch sử hình thành và phát triển Huyện Na Rì dưới thời trần là vùng đất nằm ở châu Cảm Hóa, đến thời thuộc Minh là huyện Cảm Hóa, phủ Thái Nguyên. Tên gọi và địa giới huyện Cảm Hóa dưới thời Lê và Nguyễn không có gì thay đổi, bao gồm các huyện: Na Rì, Ngân Sơn và một phần nhỏ phía Bắc huyện Bạch Thông – tỉnh Bắc Kạn ngày nay. Thời Pháp thuộc, đồng thời với việc thành lập tỉnh Bắc Kạn (năm 1890), thực dân Pháp lập đơn vị hành chính các châu, trong đó có châu Na Rì bao gồm vùng đất phía Nam của huyện Cảm Hóa. Năm 1884, sau khi căn bản hoàn thành cuộc chinh phục Việt Nam, bắt nhà Nguyễn phải đầu hàng, thực dân Pháp bắt đầu mở các cuộc tấn công xâm lược các tỉnh miền núi Việt Bắc. Sau khi đánh chiếm các địa bàn xung yếu thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, quân Pháp chia làm ba mũi, tấn công từ cả ba hướng: Hướng Bắc từ cao Bằng kéo xuống, hướng Nam từ Thái Nguyên tiến lên, hướng Tây từ Lạng Sơn đánh sang, chiếm đóng các vị trí quan trọng của tỉnh Bắc Kạn. Năm 1891, một đơn vị quân Pháp từ Lạng Sơn mở mũi tấn công sang thị trấn Yến Lạc, mở đầu cho cuộc xâm lược và chiếm đóng Na Rì. Cùng với phong trào chống Pháp của Phùng Bá Chỉ (Ba Kỳ), đồng bào các dân tộc Na Rì đã đoàn kết, chung sức, không ngại gian khó chiến đấu ngoan cường với kẻ địch, làm chậm quá trình thiết lập bộ máy thống trị của thực dân Pháp tại đây. Tuy nhiên, sau khi chiếm được Na Rì, thực dân Pháp đã tổ chức bộ máy thống trị gồm 4 tổng: Lương Thượng, Lương Hạ, Côn Minh và Yên Hân với 17 xã. Đứng đầu bộ máy cai trị cấp huyện là một viên tri châu đặt dưới quyền tên đồn trưởng khố xanh người Pháp đóng tại Yến Lạc. Mỗi tổng (3 – 5 xã) do chánh, phó tổng cai quản, chịu trách nhiệm trước tri châu, bảo đảm việc bắt phu, thu thuế… Ở cấp xã có Hội đồng kỳ mục, chánh, phó lý trưởng. Bên cạnh bộ máy hành chính còn có hệ thống quân sự bao gồm châu đoàn (cấp huyện), tổng đoàn (cấp tổng), xã đoàn (cấp xã) cùng lực lượng lính dõng do xã đoàn phụ trách. Trong suốt thời gian cai trị, thực dân Pháp đã áp dụng những chính sách thâm độc hòng chia rẽ cộng đồng dân cư, kìm hãm sự phát triển, đưa người dân vào vòng tối tăm, lạc hậu. Nhưng kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng hình thành và lan rộng trong các tỉnh Việt Bắc đã tác động mạnh mẽ đến nhận ý thức đấu tranh của nhân dân Na Rì. Cùng với rất nhiều sự kiện đấu tranh tiêu biểu của các địa phương lân cận, đặc biệt là tác động mạnh mẽ của khởi nghĩa Bắc Sơn, ở Na Rì, phong trào đấu tranh cũng ngày càng sôi sục. Trước tình hình đó, thực dân Pháp tăng cường mạng lưới mật thám, đặt thêm nhiều điếm canh, huy động lực lượng lính dõng tuần tra, canh gác ở những nơi xung yếu. Đồng thời với việc kìm kẹp, kiểm soát đi lại, thực dân Pháp còn tuyên truyền xuyên tạc, bôi xấu những người cộng sản, những chiến sỹ cách mạng, hòng làm giảm lòng tin, ngăn chặn sự che chở, bảo vệ của đồng bào Na Rì với lực lượng du kích Bắc Sơn. Không chỉ vậy, thực dân Pháp còn lấy muối và bạc trắng để làm phần thưởng, kích động đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, âm mưu và hành động của thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai không hề lay động được tình cảm mà nhân dân các dân tộc Na Rì dành cho cách mạng, ngược lại chỉ càng thôi thúc, kêu gọi tinh thần cách mạng của nhân dân. Khủng bố của thực dân Pháp đối với phong trào Bắc Sơn ngày càng quyết liệt. Để bảo toàn lực lượng, tháng 8/1941, một bộ phận Cứu quốc quân do đồng chí Phùng Chí Kiên – Ủy viên Trung ương Đảng làm chỉ huy trưởng và đồng chí Lương Văn Chi – Xứ ủy viên Bắc Kỳ dẫn đầu đã phá vòng vây theo đường Bắc Sơn – Na Rì, qua Ngân Sơn để lên biên giới Việt – Trung. Tuy nhiên, do bị phát hiện và rơi vào vòng vây của địch, hai đồng chí dẫn đầu đều đã anh dũng hy sinh. Số còn lại đã dũng cảm phá vòng vây, hòa vào đám người buôn muối và trốn thoát an toàn. Khởi nghĩa Bắc Sơn cùng với những sự kiện liên quan đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, tình cảm, đánh thức trong cộng đồng các dân tộc Na Rì niềm tự hào dân tộc, ý chí chiến đấu vì độc lập tự do, vì tổ quốc. Bước sang năm 1942, phong trào cách mạng từ căn cứ địa Cao Bằng đã lan đến khu vực các huyện Ba Bể, Ngân Sơn. Trong những năm 1943 – 1944, phong trào cách mạng ở Bắc Kạn phát triển mạnh mẽ, rộng khắp các địa phương. Tuy nhiên, do thực dân Pháp cố tình bưng bít, ngăn cản nên ở Na Rì vẫn chưa thể hình thành cơ sở cách mạng. Tháng 2/1945, một số cán bộ như Đại Long, Ngọc Xuân đã đến các xã phía Bắc của huyện Na Rì để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân. Ngay khi vừa bắt đầu manh nha hình thành cơ sở cách mạng thì xảy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp, cách mạng Việt Nam đi vào cao trào chống Nhật cứu nước, với Na Rì đó là sự mở đầu cho lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện… Trong suốt quá trình xây dựng chính quyền dân chủ và cơ sở Đảng những năm 1945 – 1946, hay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm (1946 – 1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 – 1975), nhân dân các dân tộc Na Rì luôn đoàn kết, phát huy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết một lòng, cùng với nhân dân cả nước đánh thắng quân xâm lược. Đất nước hòa bình, tổ quốc độc lập, dưới sự soi đường chỉ lối của Đảng tiên phong, Đảng bộ và nhân dân huyện Na Rì đã cùng chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương từng bước đạt đến những thành công quan trọng, cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong phát triển kinh tế và giữ vững độc lập, chủ quyền của tổ quốc. Nơi hòa quyện của thiên nhiên và con người Huyện Na Rì ngày nay có diện tích 85.300,00ha, phía Bắc giáp huyện Ngân Sơn, phía Đông giáp huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn), phía Tây giáp huyện Bạch Thông, phía Nam giáp huyện Chợ Mới và huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên). Huyện Na Rì có 21 xã và 01 thị trấn, thị trấn Yến Lạc là trung tâm huyện lỵ. Na Rì ở độ cao trung bình 550m so với mực nước biển; địa hình dốc, thấp dần theo hướng Tây Nam – Đông Bắc. Na Rì có địa hình núi non hiểm trở, trong đó đồi núi chiếm 90% diện tích tự nhiên. Một số xã như Kim Hỷ, Ân Tình, Lạng San, Lam Sơn, Cư Lễ, Hảo Nghĩa, Dương Sơn có nhiều dãy núi đá vôi, nổi lên là khối núi Kim Hỷ có diện tích khoảng 150km2, với những ngọn núi cao từ 700 đến 800m. Na Rì được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên rừng và khoáng sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Rừng ở đây là nơi lưu giữ nhiều loại động – thực vật quý hiếm như, có giá trị kinh tế cao. Dưới lòng đất, lòng sông suối và các hang núi đá vôi chứa đựng lượng không nhỏ vàng sa khoáng, đem lại cho mảnh đất nơi đây những tiềm năng dồi dào để phát triển kinh tế Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Na Rì có kiểu khí hậu mát mẻ, nhiều mưa, nhiều nắng theo mùa, thích hợp với việc phát triển các loại động – thực vật nhiệt đới. Trên địa bàn có sông Nà Rì và sông Bắc Giang, với lưu vực khoảng 1.228km2, tổng chiều dài khoảng 74km, ngoài ra còn có nhiều khe suối nhỏ. Do địa hình hiểm trở, núi non bao bọc xung quanh nên việc giao thông đi lại của người dân trước đây gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, từ năm 1961, đường ô tô Na Rì – Bắc Kạn qua đèo Áng Toòng được khởi công xây dựng, đến năm 1965 thì hoàn thành, thông với Quốc lộ 3. Cho tới nay, hệ thống giao thông nông thôn cũng đã được đầu tư, xây dựng đến cấp xã, cấp thôn bản, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế – văn hóa với các địa phương lân cận. Na Rì đất rộng người thưa. Dưới thời Pháp thuộc, dân số toàn huyện (năm 1932) chỉ có 8.740 người. Ngày nay, dân số toàn huyện gần 41.000 người. Nơi đây là nơi quy tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông. Cộng đồng dân cư thường sinh sống tập trung theo dòng họ, đời sống gắn với ruộng vườn. Các dân tộc Tày, Nùng thường quần cư trong các thung lũng, ven sông suối, canh tác trên các thửa ruộng bậc thang. Đồng bào người Dao trước đây thường có tập quán du canh du cư, phát nương làm rẫy. Người Kinh, người Hoa chủ yếu sống tập trung ở vùng trung tâm, làm các nghề may mặc hoặc cửa hiệu phục vụ ăn uống, buôn bán tạp hóa… Tuy nhiên, do tập quán canh tác lâu đời còn ảnh hưởng sâu đậm trong suy nghĩ của người dân nên đến nay, nền kinh tế vẫn mang nặng tính chất tự túc tự cấp. Người dân tham gia sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là trồng lúa, hoa màu kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, ở một số nơi, người dân cũng làm thêm các nghề thủ công phục vụ sản xuất và đời sống (như rèn dao, đúc lưỡi cày, làm gạch ngói, trồng bông, dệt vải, đan lát…). Lễ hội Lồng tồng Bản PJoo Sự quy tụ của nhiều dân tộc cũng mang lại sự đa dạng, riêng biệt trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư. Người Dao có thói quen hát màng. Trai gái H’Mông cùng nhau thổi kèn lá, múa khèn trong các dịp lễ hội. Những nơi có đông dân tộc Tày, Nùng, mỗi mùa xuân đến xóm làng lại tưng bừng, nô nức trong ngày hội “lồng tồng” – xuống đồng. Hội Lồng tồng là dịp để già làng, trưởng bản cùng người dân cúng tế các vị thần nông, thần sông, thần núi, cầu cho 1 năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Theo thời gian, Hội Lồng tồng trở thành dịp sinh hoạt của cả cộng đồng dân cư với nhiều trò chơi dân gian như: Múa võ, múa lân, đua ngựa, kéo co, đánh cầu, tung còn, đấu vật…, được lưu giữ, phát triển cho đến tận ngày nay. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày kháng chiến chống quân xâm lược cho đến thời kỳ xây dựng và phát triển, đời sống của nhân dân các dân tộc Na Rì đã không ngừng đổi thay, phát triển từng ngày. Trong thời đại của hội nhập, giao lưu và phát triển, người dân Na Rì vẫn luôn trân trọng, gìn giữ và bảo tồn những giá trị lịch sử to lớn, những bản sắc văn hóa đậm đà, riêng có của một mảnh đất vùng núi cao…/. |