Tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua hình thức “Phiên tòa giả định” ( Cập nhật ngày: 03/12/2024 )Thực hiện Kế hoạch số 60/KHPH-TAND-TP-VP ngày 14/8/2024kế hoạch phối hợp tổ chức nhân rộng tuyên truyền, phổ biến bằng hình thức phiên tòa giả định, thực hiện Dự án 9 – Tiểu dự án 2 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Chiều ngày 03/12, Văn Phòng HĐND-UBND, Phòng Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tảo hôn bằng hình thức phiên tòa giả định tại Trường TH&THCS Liêm Thủy và nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, giáo viên và học sinh về Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại của tảo hôn… Tham dự có ông Hoàng Văn Phong, Chánh Văn Phòng HĐND-UBND huyện; bà Lý Thị Luân, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện; ông Phạm Ngọc Chiêm, Phó Trưởng Phòng tư pháp huyện, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện và đông đủ giáo viên và hơn 200 học sinh. Kịch bản tình huống giả định hành vi phạm tội đặt ra xoay quanh tội “Tổ chức tảo hôn” quy định tại Điều 183 Bộ Luật Hình sự. Xét xử về hành vi tổ chức tảo hôn (đám cưới) cho con khi chưa đủ tuổi đã bị xử phạt vi phạm hành chính lại tiếp tục vi phạm. Phiên tòa giả định được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án về tội “Tổ chức tảo hôn”, với sự tham gia của hơn 200 học sinh cùng các thầy cô giáo nhằm mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, gia đình và nhà trường trước trước vấn nạn tảo hôn, đặc biệt là đối với những xã miền núi tập chung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Phiên toà giả định được xây dựng với các tình tiết chân thật, cụ thể đã giúp học sinh dễ tiếp thu, nắm bắt các nội dung và nâng cao nhận thức pháp luật khi trực tiếp chứng kiến toàn bộ quá trình xét xử vụ án. Sau khi kết thúc phiên tòa các em học sinh được tuyên truyền tìm hiểu các nội dung về pháp luật an toàn khi tham gia giao thông. Đây là hoạt động hết sức cần thiết để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật. Từ đó, hình thành ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật nói chung và thay đổi hành vi, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn huyện. Phương Nga |