Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ Gửi thư In Tăng sáng Giảm sáng

Tiềm năng-Thế mạnh

( Cập nhật ngày: 29/03/2023 )

Huyện Na Rì nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Kạn, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 72 km; tiếp giáp với các huyện Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Mới và tỉnh Lạng Sơn. Na Rì có 22 xã, thị trấn với tổng diện tích tự nhiên là 85.300ha, dân số gần 41 nghìn người với 5 dân tộc anh em Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông cùng sinh sống.

Na Rì được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng phong phú, khí hậu quanh năm mát mẻ, đất đai phì nhiêu… thích hợp phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây dong giềng, cây thuốc lá, cây khoai môn, ngô, cây cam, quýt, cây hồi…; diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn, mạng lưới sông, suối, hang động đa dạng, hệ sinh thái phong phú, độc đáo với nhiều loại gỗ quý hiếm và các loại cây dược liệu có giá trị cao.

Hiện nay, huyện Na Rì đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi để thu hút nguồn đầu tư vào một số thế mạnh của huyện.

Na Rì có hệ thống đường giao thông thuận lợi với đường trục 256 qua xã Hảo Nghĩa sang huyện Chợ Mới; Quốc lộ 279 nối 3 huyện Na Rì, Ngân Sơn, Ba Bể với huyện Bình Gia – tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Tuyên Quang; Quốc lộ 3B thông thương trực tiếp đến cửa khẩu Pò Mã – tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, hệ thống đường giao thông đã và đang được cải tạo nâng cấp, đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, thông thương hàng hoá.

Hệ thống điện lưới quốc gia, hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư đến tất cả các xã và thị trấn. Trên địa bàn huyện có một số công trình xây dựng trọng điểm được đầu tư vốn xây dựng lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có: Bệnh viện huyện (công suất 100 giường), Chợ đầu mối nông lâm sản – trung tâm kinh tế của huyện, Quốc lộ 3B, Hồ Cốc Thông (xã Liêm Thuỷ), Hồ Khuổi Khe (xã Kim Lư), hệ thống đập và kênh mương thuỷ lợi xã Lương Thượng…

Thế mạnh về nông – lâm nghiệp

Với diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp trên 74.700ha, chiếm 88% diện tích tự nhiên, trong đó có hơn 14.000ha rừng núi đá, gần 5.000ha rừng trồng, diện tích đất rừng chưa trồng khoảng 41.000ha, huyện Na Rì là địa phương có tiềm năng và lợi thế rõ rệt về phát triển về rừng. Những năm qua, sản lượng khai thác gỗ trung bình đạt 3.138,8m3/năm; cùng với các loại sản phẩm từ tre, vầu, nứa… đã trở thành nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván dăm, đũa… của địa phương. Ngoài ra, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, huyện đã và đang khuyến khích đầu tư công nghệ, thiết bị chế biến gỗ hiện đại tại các xã có diện tích rừng lớn như: Hảo Nghĩa, Côn Minh, Cư Lễ, Hữu Thác… để sản xuất một số loại sản phẩm như: Ván ép thanh, đồ gỗ gia dụng, đũa công nghiệp, gỗ các loại…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, nhờ thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi và các đề án sản xuất nông – lâm – nghiệp, đời sống của nhân dân địa phương đang từng bước được nâng cao. Đặc biệt, với cây dong riềng cho sản lượng hơn 18.000 tấn/năm, nghề sản xuất dong riềng và chế biến miến dong đã giúp nhiều hộ gia đình tại địa phương thu nhập hàng tỷ đồng. Hiện nay, các cơ sở chế biến miến dong ở địa phương đã từng bước đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đảm bảo cung cấp sản lượng miến chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong cả nước.

Hợp tác xã miến dong Côn Minh

Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt nội dung thuyết minh thực hiện Dự án “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong Na Rì” nhằm xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, thông qua đó bảo vệ quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Trong những năm tới, huyện Na Rì cũng đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh trồng và chế biến dong riềng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để sản phẩm miến dong Na Rì thực sự có chất lượng và có đầu ra ổn định, huyện Na Rì đã và đang kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào việc lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường hàng hóa.

Hướng đi mới trong sản xuất vật liệu xây dựng

Với trữ lượng dồi dào các loại khoáng sản, đá quý (vàng sa khoáng, đồng, antimon, đất sét…), Na Rì có nhiều tiềm năng để phát triển khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng.

Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng khai thác các mỏ vàng sa khoáng, mỏ đồng, mỏ đá, sản xuất gạch… ở một số địa phương như: Lương Thượng, Lạng San, Lương Thành, Liêm Thuỷ, Lam Sơn, Kim Lư, Thị trấn Yến lạc, Hảo Nghĩa…. Tuy nhiên, do đầu tư về máy móc thiết bị và côg nghệ còn hạn chế, quy mô khai thác còn nhỏ lẻ nên mặc dù trữ lượng khoáng sản lớn song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường; bên cạnh đó, quá trình khai thác còn gây ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên.

Hiện nay, huyện đã có chủ trương quy hoạch các khu công nghiệp, mở ra cơ hội và triển vọng cho hợp tác đầu tư lâu dài, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực vật liệu xây dựng. Một trong những ngành sản xuất có tiềm năng lớn chính là sản xuất gạch không nung (Thị trấn Yến Lạc, xã Kim Lư, khu Vằng Mười, xã Hảo Nghĩa). Để có thể tạo dựng nguồn cung cấp vật liệu ổn định, chất lượng cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, huyện Na Rì đã và đang đẩy mạnh áp dụng những công nghệ hiện đại vào sản xuất gạch không nung. Huyện cũng khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư thiết bị dây chuyền hiện đại để sản xuất gạch và các loại vật liệu xây dựng chất lượng cao.

Tiềm năng mở cho du lịch

Có thể nói Na Rì có một vị trí khá thuận lợi và được thiên nhiên dành cho nhiều ưu đãi, thuận lợi để đầu tư khai thác và phát triển các loại hình du lịch, với những thắng cảnh đẹp như Động Nàng Tiên, Hồ Khuổi Khe, thác Nà Đăng…

Động Nàng Tiên

Động Nàng Tiên thuộc xã Lương Hạ. Động ăn sâu xuống lòng núi khoảng 60m, cửa động cao 6m, rộng 6m, trần động cao khoảng 30 – 50m. Vào trong động, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp do các nhũ đá, cột đá và măng đá tạo nên. Cảnh tiên nữ, cảnh rồng bay, phượng múa bằng nhũ đá huyền ảo lung linh. Trong động còn có nhiều ngách nhỏ có chiều dài từ chục mét đến hàng nghìn mét thông ra sườn núi. Xung quanh là những thửa ruộng bậc thang với dòng nước uốn lượn chảy quanh được người dân ở đây gọi là ruộng tiên, suối tiên. Động Nàng Tiên thực sự là một địa điểm hấp dẫn cho du khách khi đến với Na Rì.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (thuộc địa phận các xã Kim Hỷ, Lương Thượng, Lạng San, Ân Tình, Côn Minh) với diện tích lớn núi đá vôi cùng hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Nơi đây đã và đang lưu giữ được hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về sự phong phú của nhiều loại động, thực vật quý hiếm, trong đó phải kể đến là loài voọc má trắng, sóc, khỉ là những loài hiện có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu. Đặc biệt, đến với khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ bạn sẽ được chứng kiến sự đa dạng của loài dơi ở đây – được coi là nhiều chủng loại nhất ở Việt Nam. Không những thế, đây còn được coi là kho gỗ quý lớn của tỉnh Bắc Kạn, với hàng vạn cây nghiến, thông núi…. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thực sự thích hợp với những người đi du lịch dạng khám phá, ưa mạo hiểm.

Bên cạnh những địa danh nổi tiếng, Na Rì còn có thu hút du khách với nhiều hoạt động, lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn, trong đó có Hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng; Hội Xuân của người Mông Khuổi Nộc; Chợ tình Xuân Dương (ngày 25/3 âm lịch hàng năm); các lễ hội mừng lúa mới, lễ cưới hỏi…. Đến Na Rì những ngày còn phảng phất hơi sương để cùng ngắm những đôi trai gái dập dìu dưới bóng núi nguyên sơ trong mỗi phiên chợ tình, đề được ngất ngây trong hương rượu thơm nồng, đắm say khi nghe những câu hát sli, hát lượn, nghe tiếng đàn tính, tiếng khèn môi hòa trong thanh âm đất trời…

Khu phố cổ (thị trấn Yến Lạc)

Ngay tại thị trấn Yến Lạc, giữa những công trình mới xây kiên cố, hiện đại, vẫn còn đó khu phố cổ với những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm. Nơi đây, 3 – 4 thế hệ mỗi gia đình vẫn cùng chung sống dưới một mái nhà và cùng nhau lưu giữ những kiến trúc tinh xảo, độc đáo của cha ông. Cũng bởi bàn tay chịu khó, cần cù, những người phụ nữ trong khu phố cổ đã nối tiếp nghề làm bánh nổi tiếng, lâu đời của các bà, các mẹ với những đặc sản mang đậm hương vị núi rừng như bánh ngô, bánh khảo, quẩy… đã trở thành món quà không thể thiếu mỗi khi ghé thăm.