Na Rì tuyên truyền hiệu quả phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua hình thức “Phiên tòa giả định” ( Cập nhật ngày: 06/12/2024 )Huyện Na Rì có 17 xã, thị trấn, có 222 thôn, tổ nhân dân, gồm các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao nhưng chủ yếu dân tộc Tày chiếm hơn 80%. Trong những năm gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể trên toàn địa bàn, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã cơ bản được giải quyết. Có được kết quả này cũng nhờ huyện làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng thôn, bản, người dân. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 – 2025”, và thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 2 – Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của Dự án 9 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, trường học và các địa phương trên địa bàn huyện. Năm 2024, huyện Na Rì đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tảo hôn bằng hình thức phiên tòa giả định tại trường học ở 2 xã Liêm Thủy, Đổng Xá nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, giáo viên và học sinh về tác hại của tảo hôn. Kịch bản tình huống giả định hành vi phạm tội đặt ra xoay quanh tội “Tổ chức tảo hôn” quy định tại Điều 183 Bộ Luật Hình sự. Xét xử về hành vi tổ chức tảo hôn (đám cưới) cho con khi chưa đủ tuổi đã bị xử phạt vi phạm hành chính lại tiếp tục vi phạm. Phiên tòa giả định được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án về tội “Tổ chức tảo hôn”, với sự tham gia của hơn 400 học sinh cùng các thầy cô giáo nhằm mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, gia đình và nhà trường trước trước vấn nạn tảo hôn, đặc biệt là đối với những xã miền núi tập chung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Phiên toà giả định được xây dựng với các tình tiết chân thật, cụ thể đã giúp học sinh dễ tiếp thu, nắm bắt các nội dung và nâng cao nhận thức pháp luật khi trực tiếp chứng kiến toàn bộ quá trình xét xử vụ án. Ông Phạm Ngọc Chiêm, Phó trưởng Phòng tư pháp huyện cho biết: Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS được triển khai dưới nhiều hình thức và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, nhất là hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin, tuyên truyền, tư vấn, can thiệp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được thực hiện trên địa bàn huyện. Thông qua hình thức tuyên truyền trực tiếp này các em học sinh hiểu rõ về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự tiến bộ xã hội và sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Em Nông Ngô Phương Anh, học sinh lớp 9, Trường TH&THCS bán trú Đổng Xá, huyện Na Rì cho biết: “Việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nó rất có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển, sức khỏe của lứa tuổi chúng em. Sau khi được tuyên truyền trực tiếp như vậy chúng em cũng nhận thức rõ hơn về tác hại cũng như sự ảnh hưởng tới lứa tuổi học sinh, qua việc tuyên truyền chúng em có thể tránh được việc vi phạm tảo hôn” Em Cấn Thị Thu Trang, học sinh lớp 9, Trường TH&THCS bán trú Đổng Xá, huyện Na Rì cho biết: “em lần đầu tham gia trải nghiệm phiên tòa giả định em thấy nội dung tuyên truyền rất thiết thực với học sinh chúng em, giúp các em hiểu rõ hơn về sự ảnh hưởng cũng như là hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, sự trưởng thành và học tập của các em”. Cho dù mới triển khai hình thức tuyên truyền thông qua “phiên tòa giả định” nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả trong tuyên truyền đối tượng học sinh trong nhà trường. Sau khi kết thúc phiên tòa các em học sinh còn được lồng ghép tuyên truyền tìm hiểu các nội dung về pháp luật an toàn khi tham gia giao thông. Đây là hoạt động hết sức cần thiết để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật. Từ đó, hình thành ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật nói chung và thay đổi hành vi, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn huyện./. Phương Nga |