Na Rì thực hiện chính sách xuất khẩu lao động mang lại hiệu quả cho người dân ( Cập nhật ngày: 02/08/2024 )Trong vài năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân huyện Na Rì quan tâm hơn đến thị trường xuất khẩu lao động, qua đó đã mang lại thu nhập ổn định, góp phần cải thiện kinh tế của gia đình. Theo số liệu của Phòng LĐ-TB&XH huyện hàng năm, huyện có khoảng gần 100 lao động xuất khẩu sang thị trường các nước Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay đã có 84 lao động xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản. Để làm tốt công tác này, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác xuất khẩu lao động, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của gia đình và người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, tích cực truyền thông, cung cấp thường xuyên, kịp thời, đầy đủ, chính xác và trực tiếp đến người lao động về chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện như: điều kiện, ngành nghề, mức lương đi làm việc ở nước ngoài đối với từng thị trường các nước. Tư vấn cho lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn có nhiều hộ nghèo, liên kết với các đơn vị tuyển dụng đảm bảo các điều kiện cần thiết cho người lao động trước khi xuất cảnh đúng quy định, nhanh chóng, thuận lợi. Bà Hoàng Thị Thu Hường, Phó Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện cho biết: “Ngay từ đầu năm Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch công tác lao động việc làm, trong đó có nhiệm vụ xuất khẩu lao động, từ đó cấp xã căn cứ để thực hiện công tác. Đây cũng là một trong nhiệm vụ chỉ tiêu góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương. Năm 2024 chỉ tiêu giao xuất khẩu lao động 80 lao động, đến nay đã hoàn thành đạt 55%”. Một trong những quốc gia để người dân lựa chọn đi XKLĐ là Đài Loan vì đây là đất nước phát triển với thu nhập đầu người rất cao, với địa thế nằm trong khu vực Châu Á, có rất nhiều công việc rất phù hợp với các lao động như công nhân nhà máy, hộ lý, lao công, giúp việc… đây đều là những công việc rất thu hút những người dân. Những công việc này thường sẽ được trả với mức lương cao hơn rất nhiều so với việc làm ở trong nước. Thị trấn Yến Lạc, Sơn Thành là địa phương có nhiều lao động xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản. Để có được kết quả đó, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, người dân thấy được lợi ích của xuất khẩu lao động nên đã chủ động đăng ký, nộp hồ sơ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đến nay, nhiều lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng trở về địa phương đã có điều kiện đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Nhờ những chính sách hỗ trợ, nhiều người dân ở các xã đã có cơ hội đi xuất khẩu lao động có cuộc sống gia đình ổn định và khá giả. Chị Sằm Thị Thúy ở xã Sơn Thành, chồng đi xuất khẩu lao động tại thị trường Đài Loan trước đây gia đình rất khó khăn, cả nhà chỉ dựa vào làm nông nên cái đói nghèo cứ đeo bám. 3 năm trước, chồng chị đi lao động xuất khẩu tại Đài Loan, nhờ chăm chỉ làm việc, chồng chị đã gửi về cho gia đình xây được ngôi nhà mới, có vốn chăn nuôi, trồng trọt nên gia đình cũng có điều kiện vật chất hơn, con cái có điều kiện học tập. Xác định XKLĐ là một trong những hướng giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, Phòng Lao động, TB&XH huyện tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp được cấp phép tuyển chọn lao động và UBND các xã, thị trấn triển khai tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn và phổ biến thông tin về các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất khẩu lao động ở các địa phương cũng còn gặp không ít những khó khăn, mặc dù đã được hỗ trợ từ chính sách nhưng nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo muốn đi xuất khẩu lao động nhưng không có chi phí ban đầu để học định hướng, khám sức khỏe; nhiều hộ gia đình và người lao động còn tâm lý về ngại học tiếng, ngại xa quê. Trong thời gian tới, một trong những giải pháp giảm nghèo của huyện là giải quyết việc làm qua xuất khẩu lao động. Phòng LĐ-TB&XH huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo cấp xã triển khai có hiệu quả việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đổi mới công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động theo hướng thông tin đầy đủ, trực tiếp, phù hợp đối tượng với hình thức tuyên truyền đa dạng, dễ tiếp cận để người dân hiểu rõ các chính sách, cơ chế hỗ trợ cho người lao động. Có thể thấy, xuất khẩu lao động là cơ hội để người dân nông thôn có thu nhập nâng cao đời sống vật chất. Đây là một trong những hướng giải quyết việc làm và đào tạo nghề hiệu quả ở nông thôn, miền núi hiện nay./. Phương Nga
|