Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ Gửi thư In Tăng sáng Giảm sáng

Na Rì tăng cường khống chế dịch tả lợn châu Phi lây lan

( Cập nhật ngày: 10/06/2024 )

           Trong thời gian qua, mặc dù thực hiện nhiều biện pháp tích cực, tuy nhiên tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Na Rì đang diễn biến phức tạp. Dịch đã gây thiệt hại và lo lắng cho các hộ chăn nuôi trong huyện.

          Riêng trong ngày 04/6/2024, UBND xã Dương Sơn phối hợp với ngành chuyên môn và thôn bản huy động lực lượng tiến hành xử lý tiêu hủy 10 con lợn thịt ốm chết do dịch tả lợn Châu Phi có tổng trọng lượng gần 1 tấn của gia đình anh Luân Văn Hưng, thôn Nà Ngăm theo đúng quy định. Trước và sau khi xuất hiện dịch, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi chủ động trong công tác phòng chống dịch, báo cáo chính quyền địa phương kịp thời và tiến hành tiêu hủy lợn dịch đúng quy định.

Tiêu hủy lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi tại thôn Nà Ngăm, xã Dương Sơn

          Đồng chí Đàm Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Sơn cho biết: “Hiện tại trên địa bàn xã có 2 hộ có lợn bị dịch tả lợn Châu Phi. Sau khi có Quyết định công bố dịch của UBND huyện, xã đã tổ chức họp Ban chỉ đạo và chuyển văn bản đến tất cả các thôn trên địa bàn xã để chỉ đạo bà con nhân dân không dấu bệnh, không bán lợn ốm ra ngoài thị trường; cấp phát thuốc sát khuẩn tiêu độc khử trùng cho 13/13 thôn bản phun khử trùng. Sau khi xảy ra dịch trên địa bàn, BCĐ phòng chống dịch của xã đã tổ chức lập chốt ở 2 điểm cách 500m so với địa điểm có dịch tả lợn Châu Phi và tổ chức phun thuốc khử trùng để hạn chế dịch lây lan.”

          Với nhiều biện pháp tích cực, tuy nhiên tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp. Tính từ ngày 07/5 đến ngày 06/6, UBND huyện đã công bố dịch tại 17/17 xã, thị trấn với hơn 1.000 con lợn chết do dịch của hơn 260 hộ dân tại 96 thôn. Đến thời điểm hiện nay đã tiêu hủy số lợn chết do Dịch tả lợn Châu Phi gây ra với tổng trọng lượng hơn 43,6 tấn. UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện các giải pháp để dập dịch.

Đồng chí Lương Thanh Lộc, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì:“UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn có dịch tổ chức phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, lập các điểm khử khuẩn tại các thôn có dịch; tổ chức tiêu hủy lợn ốm, chết do dịch; tuyên truyền, vận động người dân chủ động khai báo dịch, không mua bán lợn ốm, chết; không vứt xác lợn chết ra sông, suối, ao hồ; thực hiện việc tiêu hủy theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.”

          Các xã, thị trấn đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi chủ động thực hiện phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ để tiêu diệt mầm bệnh. Khi có lợn chết, các thôn, bản, tổ nhân dân huy động lực lượng phối hợp với UBND xã, ngành chuyên môn để xử lý tiêu hủy theo đúng quy định.

Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh được xác định do người dân chủ quan trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt trong điều kiện chăn nuôi nông hộ, người dân không áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, dịch tả lợn Châu Phi đều xuất hiện trên địa bàn đã có những ổ bệnh dịch, nên đến nay mầm bệnh đã có sẵn trong tự nhiên.

Hiện nay, tại các xã có trường hợp người dân tự ý tiêu thụ lợn cho các thương lái không báo cho chính quyền địa phương, nên công tác kiểm soát vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

Đồng chí Lương Thanh Lộc, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì cho biết thêm:“Trong thời gian tới, xác định dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trên diện rộng, UBND huyện tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp chống dịch, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong công tác phòng chống dịch. Đối với lượng hóa chất phục vụ công tác tiêu độc khử trùng dự trữ tại huyện còn khoảng 600 lít, trong khi nhu cầu sử dụng rất lớn. UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT hỗ trợ khẩn cho huyện khoảng 1.000 lít hóa chất để đảm bảo phục vụ công tác phòng chống dịch.”

           Huyện Na Rì đang tích cực thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn Châu Phi, trong đó thực hiện tốt phương châm “5 không” trong phòng chống dịch, đặc biệt là không giấu dịch, khi lợn có triệu chứng bị bệnh phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời. Các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức, chủ động và tăng cường công tác phòng dịch, tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc đầy đủ, giám sát chặt chẽ dịch bệnh để xử lý kịp thời nếu có dịch xảy ra trên đàn lợn của gia đình../.

Diệu Thu