Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ Gửi thư In Tăng sáng Giảm sáng

Na Rì nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn huyện

( Cập nhật ngày: 05/05/2025 )

Na Rì là huyện vùng cao, có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế xã hội của huyện còn nhiều khó khăn; trang thiết bị nghe, nhìn của các hộ gia đình, cá nhân (nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng sâu, vùng xa) còn hạn chế dẫn đến chưa tiếp cận đầy đủ các thông tin thiết yếu của Trung ương, tỉnh, huyện. Mặt khác, trong điều kiện các yếu tố an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều, mức độ ngày càng phức tạp ở các địa bàn cơ sở như: Thiên tai, dịch bệnh, sự chống phá của các thế lực thù địch…, thì hệ thống thông tin cơ sở phát huy ưu thế trong việc tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng dư luận cho nhân dân. Thông qua đài truyền thanh cơ sở, người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong kế hoạch công tác hàng năm của huyện.

Tuy nhiên, hệ thống truyền thanh cơ sở trước đây bộc lộ nhiều hạn chế như: dễ hỏng, khó sửa chữa, bảo dưỡng; vùng phát thanh bị giới hạn (trong phạm vi 3-5km đối với FM hữu tuyến và 10-15km đối với FM vô tuyến); Không lắp đặt được các cụm loa ở vùng sâu vùng xa; chất lượng âm thanh không ổn định, lẫn tạp âm, chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết và phụ thuộc vào công suất máy tăng âm. Cán bộ vận hành hệ thống phải có mặt tại chỗ khi đến giờ phát; Hệ thống không phân cấp tới từng cụm loa, có thể bị chèn sóng, phát thông tin không mong muốn.

Huyện Na Rì đang trong giai đoạn chuyển đổi số xây dựng chính quyền số, công dân số. Đài truyền thanh cơ sở là một nội dung trong xây dựng chính quyền số, do đó ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông là xu hướng tất yếu đối với Đài truyền thanh cơ sở nhằm tham gia một cách đồng bộ, kịp thời với các hoạt động chuyển đổi số khác. Nhằm đáp ứng các yếu tố mới phù hợp với tình hình thực tiễn: các quy định mới về công tác thông tin cơ sở; về phát triển đài truyền thanh cơ sở, trong đó yêu cầu cao về vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ, tính năng hệ thống… ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông trở thành xu hướng tất yếu, sự xuất hiện công nghệ mới thay thế công nghệ cũ, mang lại nhiều ưu thế vượt trội về chất lượng dịch vụ, thiết bị, tính tiện lợi trong quản lý, vận hành, giảm chi phí đầu tư (giải phóng được băng tần FM 54-68MHz vùng phủ sóng không phụ thuộc khoảng cách; chất lượng âm thanh vượt trội, không bị nhiễu sóng; vận hành tốt trong các tình huống thiên tai; phòng máy gọn nhẹ, chủ yếu vận hành bằng phần mềm; cá thể hóa đến từng cụm loa.

Trong thời đại kỹ thuật số, hệ thống thông tin cơ sở tại các địa phương trên địa bàn huyện Na Rì đang được tích cực chuyển đổi, ứng dụng công nghệ mới nhằm thúc đẩy hiệu quả thông tin, tuyên truyền tại cơ sở qua hình thức hệ thống truyền thanh thông minh.Chuyển đổi sang mô hình truyền thanh thông minh là xu hướng tất yếu của hiện nay.

Những năm qua, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy vai trò tích cực, chuyển tải kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, cung cấp các thông tin về dự báo thời tiết, thủy lợi, bão lụt, giúp bà con nông dân giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các nội dung chương trình truyên truyền của huyện, xã đều đẩy lên hệ thống truyền thanh thông minh để chuyển tải đến nhân dân qua hệ thống các cụm loa công cộng. Qua đài truyền thanh cơ sở người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Giải pháp truyền thanh thông minh sử dụng thiết bị IoT và hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây, có thể thay thế và khắc phục hoàn toàn những nhược điểm của truyền thanh truyền thống. Truyền thanh số không dây thế hệ mới sử dụng sóng di động 3G/4G của mạng viễn thông để truyền tải dữ liệu âm thanh từ hệ thống tập trung đến các cụm loa. Hệ thống không cần sử dụng máy tăng âm, máy phát sóng, cột ăng-ten, tủ điện, dây dẫn, bảng phân tuyến.

So với hệ thống phát thanh vô tuyến và hữu tuyến trước đây, loại hình truyền thanh thông minh mới có nhiều ưu điểm vượt trội như: không cần dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển, vận hành thiết bị, chất lượng âm thanh rõ ràng. Việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin trở nên dễ dàng, nhanh chóng; Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian, công sức trong vận hành đài. Cùng với sự phát triển của các công cụ thông tin, tuyên truyền khác, hệ thống truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông thế hệ mới đang được coi là giải pháp đột phá về chuyển đổi số của hệ thống đài truyền thanh tại cơ sở ở huyện Na Rì.

Trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, việc đưa vào sử dụng giải pháp truyền thanh thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0 hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại, góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng thông minh tại địa phương. Trên địa bàn huyện Na Rì trong năm qua, đã được đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh thông minh, đến nay toàn huyện có 17/17 xã đã sử dụng hệ thống đài Truyền thanh ứng dụng Công nghệ thông tin-Viễn thông (gọi là đài truyền thanh thông minh) với 191 cụm được lắp đặt. Đây là hệ thống thiaạu tiện để chuyển tải những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông tin tuyên truyền của địa phương đến với người dân. Mỗi tuần 3 chương trình phát thanh của huyện, xã được đẩy lên hệ thống đài truyền thanh thông minh đến với nhân dân kịp thời hơn trước.

Việc triển khai hệ thống truyền thanh thông minh cho thấy tính chủ động của các địa phương trên địa bàn huyện Na Rì trong lĩnh vực thông tin cơ sở. Thông tin truyền thanh cơ sở vẫn sẽ là “cánh tay nối dài” của lĩnh vực báo chí. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ số vào hệ thống truyền thanh cơ sở góp phần truyền tải thông tin đến người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân trong thời đại 4.0 hiện nay.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển thông tin cơ sở trong giai đoạn mới, đồng thời để hoạt động thông tin cơ sở của huyện Na Rì ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, tạo ra kênh thông tin bổ ích cho nhân dân, cần tập trung một số giải pháp như: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý và hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở nhằm đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả; hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông. Thiết lập các bảng tin điện tử công cộng phù hợp với tình hình thực tế của từng xã, thị trấn, đảm bảo an toàn, an ninh, hiệu quả, tránh gây lãng phí và đặt tại các địa điểm thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin.

Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ phụ trách về thông tin cơ sở và cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở; tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin cơ sở.

Tăng cường công tác phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong việc đầu tư cho hoạt động của hệ thống Đài truyền thanh cơ sở; trang bị cơ sở vật chất hiện đại, có cơ chế chính sách phù hợp đối với hoạt động của Đài. Có cơ chế đặc thù đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ quản lý vận hành Đài truyền thanh cơ sở.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Đài truyền thanh; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền.  Nâng cao chất lượng biên tập các nội dung tuyên truyền để thông tin đến nhân dân kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, của huyện.

Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, nhằm động viên, khuyến khích những người tích cực, mô hình hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành và tuyên truyền ở cơ sở./.

Phương Nga