Miến dong Côn Minh – Giữ gìn và phát huy Làng nghề truyền thống ( Cập nhật ngày: 17/05/2024 )Sản phẩm miến dong Côn Minh đã có thương hiệu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Làng nghề miến dong vừa được UBND tỉnh công nhận, mở ra hướng đi kết hợp sản xuất sản phẩm đặc sản gắn với du lịch của địa phương. Miến dong – Niềm tự hào của người dân Côn Minh Không biết tự bao giờ, cây dong riềng đã bén rễ và sinh sôi ở vùng đất Côn Minh. Sản phẩm miến dong đã được hình thành và lưu truyền từ những năm 1970 cho đến nay. Việc trồng, sản xuất, chế biến miến dong được coi là thế mạnh của địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập. Qua trò chuyện, chị Lộc Thị Quế, thôn Bản Cào, xã Côn Minh chia sẻ: “Từ ngày làm miến, tôi không phải đi làm thuê, ở nhà có công việc ổn định. Gia đình trồng dong, làm miến bán ra thị trường có thu nhập ổn định hơn khi chưa làm miến.” Để duy trì Làng nghề làm miến, các thế hệ trước luôn tích cực truyền nghề cho thế hệ sau. Chị Nguyễn Thị Thương, thôn Bản Cào, xã Côn Minh tâm sự:“Em về đây làm dâu được hơn chục năm, lúc còn là dâu mới nhiều bỡ ngỡ với việc làm miến nhưng được ông bà, bố mẹ thường xuyên chỉ dạy, truyền bí quyết nghề làm miến, kinh tế gia đình khá giả hơn. Cả thôn có 56 hộ thì có 21 hộ làm miến dong, phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình.” Xã Côn Minh có gần 20 cơ sở, hơn 150 hộ cá thể chế biến tinh bột dong riềng và sản xuất miến dong đã bao tiêu đầu ra củ dong riềng của người dân, giúp tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Nghề làm miến dong ở xã Côn Minh diễn ra quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng Tám âm lịch kéo dài tới tháng Giêng năm sau. Bởi lẽ, trong thời gian này, thị trường cần một lượng lớn hàng để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán. Các hộ sản xuất, kinh doanh ở đây đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vững niềm tin về chất lượng thương hiệu miến dong trong lòng người tiêu dùng. Chị Lộc Thị Quế chia sẻ thêm:“Muốn sản xuất được miến ngon, trước tiên tôi chọn bột từ củ dong được trồng tại địa phương đạt tiêu chuẩn ngon và dai, khâu này rất quan trọng. Bột được lọc cẩn thận, khi nào sạch và không có sạn thì mới tráng miến. Khi tráng lửa cháy đều, khi mở vung ra bánh miến phồng lên nghĩa là bánh chín. Khâu tráng, phơi cũng không kém phần quan trọng. Người làm phải có tâm, các khâu được thực hiện hài hòa mới có sản phẩm miến ngon. Đây là vùng đất trên cao, lạnh, củ dong riềng nhiều tinh bột sẽ chế biến được miến dẻo, ngon và dai.” Phát huy thương hiệu “Làng nghề” Từ tháng 7/2020, xã Côn Minh có sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đạt OCOP 5 sao xuất bán ra thị trường nước ngoài. Việc sản phẩm nông sản khi sản xuất có hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem truy xuất nguồn gốc, bao bì đẹp, dễ sử dụng không những góp phần nâng cao thương hiệu, nâng giá trị thu nhập, mà còn hướng sản phẩm đến thị trường xuất khẩu. Tháng 01/2024, xã có làng nghề miến dong được UBND tỉnh công nhận đã nâng tầm thương hiệu miến dong Côn Minh và mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn cho địa phương. Với việc đưa dây chuyền sản xuất miến khép kín vào vận hành, năng suất miến hàng năm của địa phương đã được tăng lên đáng kể. Trung bình mỗi vụ, toàn xã sản xuất được gần 1.000 tấn miến, thu về khoảng 50 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng để xã xây dựng làng nghề. Ông Lương Thanh Lộc – Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì cho biết: “Từ cuối năm 2022, UBND huyện Na Rì đã ban hành Kế hoạch về việc phát triển ngành nghề nông thôn, đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND xã Côn Minh tích cực tuyên truyền vận động các hộ dân, phối hợp thực hiện các tiêu chí để xây dựng làng nghề. Làng nghề Miến dong Côn Minh được hình thành, địa phương sẽ đạt được các mục tiêu như: Bảo tồn được những đặc trưng cơ bản của kinh tế truyền thống; thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm, hướng tới mục tiêu xây dựng làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng; qua đó vừa bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế – xã hội, đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ các cơ sở sản xuất miến dong truyền thống, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, hướng tới đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, đồng thời hỗ trợ việc quảng bá, xúc tiến thương mại, bảo tồn và phát triển sản phẩm của làng nghề, gắn với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Đến năm 2025 phấn đấu xây dựng 01 sản phẩm OCOP của làng nghề. Về mục tiêu lâu dài, sẽ đào tạo khoảng trên 100 lao động/ 1 năm cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, đặc biệt là lao động trực tiếp tại làng nghề.” Làng nghề sản xuất miến dong Côn Minh được thực hiện trên địa bàn 4 thôn: Chợ B, Nà Làng, Bản Cuôn, Bản Cào. Tại các thôn này có 49 hộ tham gia sản xuất miến dong thường xuyên. Hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây ổn định, đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định. Chúng tôi có dịp trao đổi với chị Trưởng thôn Bản Cào Lộc Thị Thuyết, chị cho biết: “Được công nhận Làng nghề là niềm tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm cao cả, chúng tôi phải giữ gìn, phát huy thương hiệu “Làng nghề miến dong Côn Minh”. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con duy trì làm miến để bà con có thu nhập ổn định, vươn lên có cuộc sống đầy đủ hơn.” Trong quá trình xây dựng Làng nghề, Uỷ ban nhân dân xã côn Minh đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành chuyên môn tổ chức rà soát và đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất miến dong tại xã Côn Minh. Ông Sằm Văn Thường – Chủ tịch UBND xã Côn Minh, huyện Na Rì cho biết:“Việc được công nhận làng nghề miến dong Côn Minh sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu về kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm để gắn liền với phát triển dịch vụ, du lịch. Qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt văn hóa – xã hội của địa phương theo hướng bền vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới của giai đoạn hiện nay; gắn sản phẩm Làng nghề với quảng bá du lịch, cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn, xã đã tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất để phát triển dịch vụ du lịch gắn với khai thác du lịch Làng nghề miến dong Côn Minh. Đây là nghề đã có từ lâu đời và trở thành một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của địa phương, đặc biệt là được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và biết đến”. Làng nghề miến dong Côn Minh được công nhận sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các hộ sản xuất, kinh doanh cũng như người dân địa phương. Không chỉ là vấn đề thương hiệu được nâng tầm, giúp việc đăng ký quản lý truy xuất nguồn gốc xuất xứ tốt hơn mà còn tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, phát triển nghề một cách bền vững. Ông Lương Thanh Lộc – Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì cho biết thêm:“Quá trình triển khai xây dựng Làng nghề Miến dong, UBND huyện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT và các Sở ngành liên quan; sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy; sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền xã; sự đồng thuận của nhân dân, đặc biệt có sự đoàn kết, tinh thần tự nguyện tham gia vào làng nghề của chính người sản xuất miến, nên cuối năm 2023 huyện Na Rì đã hoàn thành các tiêu chí làng nghề. Cụ thể qua thẩm định, xã đã đạt được cả 3 tiêu chí sau: Có tối thiểu 20% số hộ tham gia các hoạt động sản xuất miến dong; Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ dân ổn định 2 năm liên tục, tính đến thời điểm đề nghị công nhận; Đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định. Căn cứ các tiêu chí trên, UBND huyện và xã đã tiến hành rà soát, lựa chọn được 4 thôn, gồm: Chợ B, Nà Làng, Bản Cuôn, Bản Cào, đáp ứng được các tiêu chí theo quy định. Ngày 18/01/2024, UBND tỉnh đã có Quyết định công nhận Làng nghề Miến dong xã Côn Minh của huyện Na Rì”. Có thể thấy rằng, được công nhận làng nghề đã khó, việc giữ gìn và phát huy thương hiệu làng nghề chắc chắn có nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Làng nghề miến dong Côn Minh được công nhận là niềm tự hào và là động lực để người dân trong xã phát triển bền vững cây dong riềng, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương./. Diệu Thu
|