Hội thảo lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia vào hỗ trợ và phát triển các tổ hợp tác Dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn năm 2024 ( Cập nhật ngày: 11/09/2024 )Sáng ngày 17/9/2024, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Hội nông dân huyện tổ chức “Hội thảo lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia vào hỗ trợ và phát triển các tổ hợp tác” Dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn năm 2024. Đồng chí Nguyễn Công Lệnh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và đồng chí Vũ Việt Bắc – Chủ tịch Hội Nông dân huyện đồng chủ trì. Dự hội thảo có đại diện Ban Điều phối Dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn; đồng chí Lương Thanh Lộc – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; Lãnh đạo UBND 8 xã thực hiện dự án; các tổ hợp tác và đại diện một số đơn vị là HTX, doanh nghiệp trên địa bàn. Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ gọi tắt là CSSP được IFAD tài trợ từ năm 2018, được triển khai thực hiện tại 33 xã thuộc 5 huyện: Bạch Thông, Ba Bẻ, Ngân Sơn, Pác Nặm, và Na Rì. Tại huyện Na Rì thực hiện trên 8 xã, gồm: Liêm Thủy, Cư Lễ, Đổng Xá, Sơn Thành, Trần Phú, Văn Vũ, Quang Phong và Xuân Dương với 4 hợp phần. Khi dự án được thực hiện đã hình thành chuỗi liên kết tạo đầu ra cho sản phẩn ổn định cho người sản xuất, mở rộng quy mô góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Hiện nay trên địa bàn huyện Na Rì có 52 tổ hợp tác, 28 sản phẩm OCOP, có 1 sản phẩm 5 sao, 27 sản phẩm 3 sao, phần lớn sản phẩm đều được bao tiêu, góp phần ổn định cuộc sống hướng tới giảm nghèo bền vững. Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm liên kết giữa các tổ hợp tác và các doanh nghiệp, thảo luận những thuận lợi và khó khăn trong việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia vào hỗ trợ, phát triển các tổ hợp tác dự án CSSP tại cơ sở. Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Công Lệnh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã ghi nhận kết quả đạt được của dự án CSSP trên địa bàn huyện; đồng thời khẳng định dự án đã giúp người dân có được vốn để sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đến thời điểm này, dự án kết thúc nguồn vốn giao cho dân, trong quá trình thực hiện đề nghị địa phương cần khai thác tiềm năng lợi thế của dự án để lại; tiếp tục liên kết phát triển và có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả. Trong trường hợp các tổ hợp tác không còn có nhu cầu sử dụng nguồn vốn nữa thì báo cáo cho UBND, Hội nông dân các xã tổ chức thu hồi theo quy định./. Ngọc Oánh
|